Dù dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 đã được UBND TP HCM chấp thuận và giao cho Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư nghiên cứu nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về dự án.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Vinaconex
Theo quy hoạch đến năm 2030, Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ có 4 cây cầu, 1 cây cầu đi bộ và 1 hầm chui. Ảnh: ST.
Ngày 26/8, tại TP HCM, Ủy ban MTTQ, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật và Sở GTVT đã tổ chức hội nghị "góp ý dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2". Theo quy hoạch đã được phê duyệt, vị trí xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng (quận 1) qua nhà máy Ba Son - sông Sài Gòn - nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Nhà thầu tư vấn thiết kế WSP (Phần Lan) cho biết, cầu Thủ Thiêm 2 được quy hoạch với chức năng là một trục kết nối trung tâm quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đây là các khu đô thị, trung tâm công cộng có mật độ tập trung dân cư cao. Đoạn tuyến này sẽ được tổ chức giao thông một cách liên tục và chỉ gián đoạn ở hai đầu, tại hai vị trí nút giao. Theo đó, tư vấn đã đưa ra 3 phương án.
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 2. Ảnh: Vinaconex
Phương án thứ nhất sẽ xây dựng cầu ngắn, tất cả các làn xe sẽ dừng trước các nút giao. Phương án này có ưu điểm là ít ảnh hưởng đến cây xanh và tổng mức đầu tư nhỏ nhất, 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư và công năng sử dụng sẽ rất thấp và không đáp ứng được lưu lượng xe thiết kế và không phù hợp về làn xe tối thiểu.
Phương án tiếp theo là sẽ xây cầu dài, có 2 làn xe vượt qua nút giao, bổ sung hầm cho xe máy và xe thô sơ lưu thông theo hướng Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng. Phương án này có ưu điểm là dễ dàng kết nối giao thông giữa các quận tạo sự hài hòa về phân bổ lưu lượng giao thông, giữ được hàng cây cỗ thụ và có mức đầu tư trung bình (khoảng 1.850 tỷ đồng). Tuy nhiên, cách xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 này cũng có những bất cập vì không gian dưới cầu không thông thoáng, trắc dọc cầu có điểm gãy ở chỗ chuyển tiếp. Quan trọng nhất là chưa giải quyết được tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực vào giờ cao điểm.
Sau khi phân tích ảnh hưởng của cầu Thủ Thiêm 2 trong một khu vực rộng lớn hơn, điều chỉnh lại số làn xe và tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn đã kiến nghị UBND TP HCM lựa chọn phương án 3 cho các nghiên cứu tiếp theo.
Theo đó, với kinh phí gần 1.900 tỷ đồng, đơn vị tư vấn thiết kế đề nghị sẽ xây cầu Thủ Thiêm 2 dài, với 4 làn xe vượt qua nút giao và cũng bổ sung hầm cho xe máy và xe thô sơ lưu thông.
Theo đơn vị tư vấn, dù phương án này có tổng mức đầu tư cao nhất (do cầu dài và rộng hơn), phải di dời toàn bộ 4 hàng cây xanh cổ thụ và không kết nối được với đường ven sông Sài Gòn, nhưng sẽ tăng được không gian bên dưới cầu, tăng được chiều rộng lề bộ hành cho đoạn Tôn Đức Thắng. Đặc biệt sẽ giảm được nguy cơ ùn ứ giao thông tại nút giao Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh.
Theo quy hoạch đến năm 2030, Khu đô thị Thủ Thiêm sẽ có 4 cây cầu, 1 cây cầu đi bộ và 1 hầm chui. Ảnh: ST.
Các ý kiến tham gia hội nghị tập trung vào hiệu quả giảm tải tình trạng ách tắc giao thông cho thành phố có khả quan không, trong khi nguồn vốn để triển khai dự án là của nhà đầu tư vay ngân hàng (được sự bảo lãnh của Nhà nước) hay nhà nước cho nhà đầu tư lựa chọn phương án sử dụng đất? Và công tác giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ dân và những bất cập liên quan đến vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao (chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật TP HCM) băn khoăn bởi hiện nay chuẩn bị đưa vào khai thác đường hầm Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 1 nhưng lưu lượng xe cộ vẫn không đông, không quá tải... "Vậy việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 lúc này cần phải xem xét kỹ và có nên chăng thực hiện vào lúc này?", vị tiến sĩ đặt vấn đề.
Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Khương Văn Mười (Chủ tịch Hội kiến trúc sư TP HCM) cho rằng, việc xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 không nên vội vàng mà cần phải có hồ sơ phản biện kỹ càng hơn. Theo đó, cần có quy hoạch thống nhất cho cả hai đầu cầu. Công trình này cũng cần sự gắn kết với không gian công cộng và những công trình hiện hữu, công trình mà Thành phố dự kiến xây dựng.
Về phía Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường (Phó giám đốc Sở) cho rằng, sự cần thiết của dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã thể hiện trong quy hoạch giao thông TP HCM, quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, chương trình hành động của TP HCM về giảm ùn tắc giao thông.
"Theo tính toán, đến năm 2030 khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 120.000 người sinh sống và 350.000 người qua lại làm việc. Trong khi quy hoạch đến thời điểm đó khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có bốn cây cầu. Quá trình nghiên cứu như vậy là rất dài và kỹ càng. Có xây cầu mới đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân", ông Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Cường Sở GTVT sẽ tính toán lại tổng mức đầu tư để đưa ra con số chính xác và khoa học nhất, tránh tình trạng phải điều chỉnh mức đầu tư. Về phần tham gia của nhà đầu tư, thành phố sẽ cấn trừ bằng quyền sử dụng đất. Dự án này sẽ không có sự tham gia của nguồn vốn ngân sách.
Theo Hữu Công (VnExpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét