30 thg 3, 2012

Trung Quốc cụ thể hoá đường lưỡi bò


Việt Nam cần đưa vấn đề này ra cơ quan tài phán quốc tế

SGTT.VN - Sau khi có tin Trung Quốc sẽ đo đạc, cụ thể hoá đường chín đoạn (còn gọi là lưỡi bò) trên Biển Đông, thạc sĩ luật Hoàng Việt (đại học Luật TP.HCM) cho rằng, Việt Nam nên có phản đối chính thức lên Liên hiệp quốc về hành động này của Trung Quốc.
Tàu Impeccable (Mỹ) bị Trung Quốc ngăn chặn khi đo đạc tại vùng được cho thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Ảnh: TL
Ông nói: “Hầu hết cộng đồng quốc tế đều phản đối đường lưỡi bò mà phía Trung Quốc đưa ra vì nó vô lý cũng như không có cơ sở nào trong luật pháp quốc tế, chưa nói đến yêu sách đường lưỡi bò này còn đi ngược lại nguyên tắc đất thống trị biển của luật biển quốc tế. Vì đường này vi phạm quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam nên chúng ta cần phải xem xét việc đưa vấn đề này ra công luận, hoặc một cơ quan tài phán quốc tế nào đó. Trước việc Trung Quốc tuyên bố vẽ lại chi tiết đường lưỡi bò, chúng ta nên có một phản ứng chính thức tương ứng.
Ông nghĩ sao nếu sau tuyên bố đo đạc này, có thêm các hành động leo thang?
Nếu có hành động leo thang thì chúng ta phải có tuyên bố yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các tuyên bố trước đó. Sau vụ tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 và đe doạ cắt cáp tàu Viking II mà Việt Nam thuê để thăm dò dầu khí, Việt Nam và Trung Quốc đã ký thoả thuận gồm sáu điểm về các nguyên tắc chung để giải quyết tranh chấp trên biển. Nếu bây giờ Trung Quốc có hành động leo thang thì chúng ta có thể yêu cầu Trung Quốc tôn trọng thực hiện thoả thuận này trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế, vì dư luận quốc tế cũng có vai trò rất quan trọng. Và cuối cùng là xem xét, tranh thủ sự giải quyết, sự giúp đỡ của các cơ quan tài phán quốc tế.
Khi Trung Quốc cử các tàu khảo sát đến đo đạc lại kinh độ vĩ độ của các đoạn thuộc đường lưỡi bò tại các vùng biển có tranh chấp, các nước sẽ hành xử thế nào?
Việt Nam sẽ tuân thủ theo đúng công ước luật biển. Công ước luật biển quy định mỗi quốc gia ven biển sẽ có vùng đặc quyền kinh tế là vùng tính từ đường cơ sở ra đến 200 hải lý ngoài khơi. Nếu trong vùng đặc quyền kinh tế thì tàu dân sự được đi qua nhưng không được gây hại, theo quy định tại khoản 1, điều 19 của công ước luật biển. Do vậy, tàu các nước có quyền đi qua không gây hại tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu có những hành động gây ảnh hưởng đến an ninh hoà bình thì chúng ta có quyền căn cứ theo luật pháp quốc tế.
Năm 1992, khi Trung Quốc cấp phép cho một công ty Mỹ là Crestone Oil khai thác dầu trên vùng biển nằm trong đường lưỡi bò, mà cũng là khu vực biển thuộc Bãi Tư Chính của Việt Nam, hoàn toàn nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Khi đó, chúng ta đã dùng biện pháp hoà bình nhưng hết sức kiên quyết là đưa tàu đến đứng xung quanh và gọi loa yêu cầu tàu phía Trung Quốc phải rút khỏi khu vực đó. Sắp tới có lẽ chúng ta cũng phải dùng những biện pháp tương tự như vậy, đương nhiên là phải hết sức tránh xung đột.
Với tàu khảo sát về địa lý thì vấn đề phức tạp hơn. Hãy nhớ lại vụ va chạm của tàu Impeccable của Mỹ với các tàu cá Trung Quốc vào ngày 8.3.2009. Khi đó chính Trung Quốc cho rằng, tàu thăm dò khoa học của Mỹ đo đạc thông số đáy biển nên không được phép hoạt động trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Do vậy, tàu Impeccable phải được phép của Trung Quốc mới được hoạt động trong vùng đó. Trung Quốc đã hành động như vậy thì chúng ta có thể sử dụng chính lập luận của Trung Quốc để phản đối Trung Quốc.
Ông nhận xét gì về việc Trung Quốc bắt 21 ngư dân Việt Nam gần đây?
Rõ ràng là Trung Quốc đã vi phạm. Ngư dân chúng ta đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống của chúng ta hàng ngàn năm nay rồi, và ngư trường này nằm trong vùng biển thuộc Hoàng Sa, nên Trung Quốc bảo rằng chúng ta đánh cá trộm là không có lý. Chúng ta khẳng định với Trung Quốc rằng chúng ta có đầy đủ bằng chứng pháp lý cũng như lịch sử về chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa. Việc Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa bằng biện pháp quân sự là phi pháp, trái với các quy định về thủ đắc lãnh thổ của luật quốc tế nên Trung Quốc không thể có chủ quyền đối với Hoàng Sa được.
Ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ngư trường lâu đời của ngư dân Việt Nam. Do vậy, nói ngư dân Việt Nam đánh bắt trộm là hoàn toàn không chính xác. Tôi cho việc bắt giữ ngư dân Việt Nam vừa rồi tuy chưa dám nói là đến mức leo thang, nhưng rõ ràng hành động như vậy của Trung Quốc đã gây tổn hại đến an ninh khu vực, hoà bình thế giới và phản lại các nguyên tắc mà Trung Quốc đã ký như DOC hay các thoả thuận chung về các nguyên tắc sáu điểm giải quyết tranh chấp trên biển vừa ký năm vừa rồi.
Với vụ Trung Quốc bắt giữ các ngư dân Việt Nam mới đây nhất thì theo ông Việt Nam nên làm gì? Khởi kiện có phải là biện pháp đúng?
Việt Nam cũng đã có các hành động phản đối rồi. Chúng ta vẫn luôn chủ trương giải quyết bằng biện pháp hoà bình. Một số người đưa ra quan điểm nên xem xét giải pháp khởi kiện. Tôi cũng đồng ý với ý kiến đó. Mặc dù hiện nay thì vấn đề khởi kiện ra một cơ quan tài phán quốc tế nào đó cũng còn hết sức khó khăn. Vì Trung Quốc vẫn đang từ chối và đang tìm cách né tránh thẩm quyền của các cơ quan tài phán trong giải quyết các tranh chấp như vậy. Trước mắt, chúng ta vẫn tiếp tục giải quyết bằng biện pháp ngoại giao hoà bình.

Mai Hương (thực hiện) (TTO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét