7 thg 1, 2013

Ghế đá danh ngôn


TT – Mấy năm trước nghệ sĩ Nguyễn Kim Hoàng (Hoàng Himiko) sau một chuyến đi sáng tác ở châu Âu trở về Sài Gòn có một nỗi muộn phiền rằng: ở xứ người, trên mỗi đường phố đều đặt rất nhiều ghế dành cho khách bộ hành, còn tại Sài Gòn thì kiếm ghế đỏ hoe con mắt.

Quả thật như vậy. Nếu bạn đang ở trong trạng huống như lời bài hát của Trịnh Công Sơn: Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi, thì thật khó lòng tìm thấy ở giữa hè phố Sài Gòn.
Ghế đá công viên thì đã là một hình ảnh quá quen thuộc rồi. Nhưng sao không là “ghế đá công viên dời ra hè phố”? Có lẽ không chỉ Hoàng Hikimo thắc mắc điều này. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng thấy là ở nhiều nơi vỉa hè còn không chừa một chút cho người đi bộ thì lấy đâu mà đặt ghế. Lại có quan niệm đặt ghế trên vỉa hè sẽ… dung túng cho tội phạm và tệ nạn xã hội (?!). Thế là vì thiếu vắng những chiếc ghế nơi hè phố, chúng ta đã mất đi biết bao cơ hội để ngồi với con đường, hàng cây, bè bạn…
Song điều mà mình cảm thấy được an ủi là tại những khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng thì ghế đá đặt ở hè phố rất nhiều. Không chỉ là những buổi chiều, mà mỗi trưa, mỗi sáng trên ghế đá đều có người ngồi nghỉ chân, người ngồi hóng gió, người ngồi trú nắng. Mình thật sự rất thích những hàng ghế đá đặt trong những con phố ở Phú Mỹ Hưng.
Nhưng trong buổi chiều nay, mình đến với Phú Mỹ Hưng vì một câu chuyện khác. Mình tạm gọi đó là câu chuyện “Ghế đá nhân văn”. Ghế đá nhân văn là sao? Nếu gọi ghế đá là nhân văn thì ghế nào lại không nhân văn? Biết vậy. Nhưng câu chuyện những chiếc ghế đá này hơi khác một chút: trên mỗi ghế đá đều có ghi một câu danh ngôn nổi tiếng thế giới.
Người chủ doanh nghiệp đặt ghế đá này cho biết ý tưởng ghế đá danh ngôn tình cờ nảy ra khi anh đi tặng ghế đá cho một khu chung cư. Khi đứng nhìn hàng ghế, anh trộm nghĩ với những chiếc ghế đá (có in thương hiệu công ty) thì nó cũng chỉ là ghế đá bình thường. Tại sao mình không cho in danh ngôn trên đó? Nghĩ rồi làm thử nghiệm. Khi đặt ghế đá danh ngôn, chiều nào anh cũng ra phố đứng… trộm nhìn người ngồi ghế đá. Anh thấy nhiều người ngồi đọc danh ngôn, thấy cả người đang đi bộ chợt đứng lại lẩm nhẩm, suy tư hay mỉm cười bâng quơ. Thấy thú vị, thế là làm luôn 1.000 ghế đá danh ngôn đặt ra hè phố.
Nhưng tại sao lại là danh ngôn? Người giám đốc trẻ tuổi kia cho biết: “Danh ngôn là sự chắt lọc trí tuệ, tâm hồn hầu như của toàn nhân loại. Nó là những câu nói… ghim vào đầu, thấm vào tim. Có những thời điểm bạn sẽ thấy câu nói đó vô vị, không thực tế, nhưng vào một thời điểm khác bạn lại thấy nó cực kỳ hay, thậm chí như mở đường hay phao cứu sinh đời bạn”. Suy nghĩ đó có lẽ được sự chia sẻ của nhiều người. Mình cũng nghĩ như vậy. Rồi mình lang thang hè phố… đọc danh ngôn. Mình thấy có những câu thật hay: Dẫu mùa đông có dài bao lâu, chắc chắn mùa xuân sẽ tiếp nối (ngạn ngữ); Đừng sống theo điều ta ước muốn, hãy sống theo điều ta có thể (ngạn ngữ Nhật)… Một ngàn chiếc ghế đá, một ngàn câu danh ngôn, không trùng lặp. Đó là tâm huyết của người đặt ghế đá ra hè phố.
Nhưng thật sự thì mình thích câu nói này của vị giám đốc còn hơn là ghế đá danh ngôn: “Đây chỉ là một ví dụ về những việc làm cho cộng đồng, nếu như chúng ta thật sự nghĩ đến cộng đồng”.
Viết đến đây có lẽ sẽ có bạn đọc thắc mắc vị giám đốc kia là ai. Còn mình thì nghĩ có lẽ cũng nên bật mí một chút, bởi không khéo sẽ mang tiếng là viết bài PR doanh nghiệp(!). Người giám đốc trẻ kia chính là con trai út của nhà văn Nguyễn Khải: Nguyễn Khải Hoàn – ông chủ của Khải Hoàn Land.

TRẦN NHÃ THỤY - Báo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét