25 thg 5, 2013

Tin tức Bất Động Sản

Bộ Xây dựng đề xuất cho phép xây căn hộ 30m2: Cải thiện nhà ở cho dân hay vi phạm quy hoạch đô thị?

Ngay sau khi thông tin Bộ Xây dựng chuẩn bị đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ 30m2, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra quanh đề xuất này.
Bộ Xây dựng từng phản đối căn hộ 30m2
Nếu căn hộ nhỏ mà vẫn đảm bảo được sinh hoạt như chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, phòng chống cháy nổ, kết nối hạ tầng hoàn thiện thì cớ gì chúng ta lại phản đối; Bộ Xây dựng sẽ triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ bé thành từng khu và kết nối hạ tầng đồng bộ, chứ không phải dạng chung cư mi ni. Đó là lập luận của Bộ Xây dựng xung quanh việc Bộ này tới đây sẽ đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ 30m2. Để căn hộ nhỏ sớm được triển khai, Bộ Xây dựng cho biết, việc bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội sẽ không đợi đến lúc ban hành Luật Nhà ở, mà sẽ được điều chỉnh ngay trong Nghị định về quản lý, phát triển nhà ở xã hội.
Ý kiến này tiếp tục được Bộ Xây dựng khẳng định lại tại Hội nghị tổng kết thi hành Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản do Bộ Xây dựng tổ chức sáng 23/5, ông Nguyễn Mạnh Hà (Cục trưởng Quản lý Nhà ở và Thị trường bất động sản) cho biết, nhu cầu nhà ở diện tích nhỏ dưới 30m2 là rất nhiều. Luật Nhà ở quy định diện tích nhà thương mại nhỏ nhất 45m2 mới được cấp sổ đỏ, nhà xã hội là 30m2. Theo đó, quy định như vậy là không phù hợp vì bản thân nhà ở thương mại hay xã hội đều như nhau.
Tuy vậy, không chỉ bây giờ, từ tháng 4/2012, khi Bộ Xây dựng đề xuất cho phép doanh nghiệp được xây dựng căn hộ 25m2, đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận khi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, đô thị và người dân cho rằng, việc cho phép xây dựng căn hộ “siêu nhỏ” 25m2 là đi ngược lại với mục tiêu phát triển đô thị, tăng áp lực lên hạ tầng giao thông, đô thị… Từ đó đến nay, đề xuất này không được nhắc đến nữa.
Căn hộ 30m2 theo đề xuất của Bộ Xây dựng đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa.
Và đến giờ, với lập luận tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, Bộ Xây dựng lại tiếp tục đề xuất cho phép loại hình căn hộ “hộp diêm” 30m2 rộng hơn loại hình căn hộ “siêu nhỏ” 25m2 từng bị dư luận “ném đá”… 5m2. Trong khi đó, trước thời điểm thị trường BĐS sa sút thảm hại, chính Bộ Xây dựng đã phản đối và không cho phép 1 doanh nghiệp trong phía Nam được xây dựng căn hộ 30m2 vì nhiều lý do trong đó có vi phạm Luật Nhà ở, mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo điều kiện sống… Liệu căn hộ 30m2 như đề xuất của Bộ Xây dựng có giúp được thị trường sáng sủa hơn và điều kiện về nhà ở của người dân được cải thiện?   
Bài học từ chung cư cũ
Ngay khi ý kiến này được đưa ra, đã có hàng loạt phản ứng trái chiều của cả người dân lẫn các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, đô thị. Theo ý kiến của nhiều người dân, việc cho phép xây dựng căn hộ 30m2 không khác nào tái hiện lại hình ảnh của các chung cư cũ với nhiều khu tập thể chật hẹp xuống cấp trầm trọng như: khu tập thể Nam Đồng, khu chung cư cũ Kim Liên, khu tập thể Thành Công… đang tồn tại với rất nhiều căn hộ 30m2.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, căn hộ dưới 30m2 không thể đủ không gian sống và sinh hoạt cho một gia đình dù là ít người. Khi ấy không phải dân số cơ học mà chính là dân số thật tăng cao, tăng áp lực lên hạ tầng giao thông vốn đã và đang quá tải. Loại hình nhà ở này cũng không thể giải quyết nhà cho vợ chồng trẻ, những người mới đi làm. Vợ chồng mới cưới nếu vốn tự có ít cũng không thể mua được trừ khi đi vay hoặc có sự ủng hộ mạnh từ gia đình. Vấn đề là làm sao để đưa giá nhà về giá trị thực chứ không phải xây dựng loại hình căn hộ “siêu nhỏ” này. Căn hộ 30m2 chỉ có thể giải quyết được bài toán chỗ ở trước mắt, còn về lâu dài thì cần thiết phải xem xét lại.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, không phải vô cớ mà điều 40 của Luật Nhà ở có có quy định tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại (dạng chung cư) phải có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45m2 dành cho 4 người, bình quân mỗi người hơn 11m2, vì đó là giới hạn diện tích tối thiểu có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của mỗi người.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cho phép xây dựng những căn hộ nhỏ để giải quyết bài toán tăng thanh khoản cho thị trường BĐS trước mắt là cách làm manh mún, không đáp ứng được mục tiêu phát triển đô thị. Đô thị phát triển phải đảm bảo nhiều yếu tố, trong đó có cả nhà ở của người dân. Đô thị càng phát triển thì diện tích bình quân mét vuông trên đầu người càng phải tăng lên.
Căn hộ nhỏ của 1 cặp vợ chồng mới cưới chưa có con thì hợp lý, vài năm sau có thêm hai đứa con nữa thì bình quân lại xuống 6m2/đầu người, ngang với diện tích bình quân đầu người của những năm 1960 thế kỷ trước. Các khu đô thị, các dự án chung cư đã được phê duyệt đều nằm trong tổng thể quy hoạch phát triển bền vững về diện tích, mật độ dân cư, nếu cho phép xây căn hộ nhỏ các doanh nghiệp sẽ lao vào làm, từ đó sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị.
Ông Phạm Thành Hưng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn BĐS Thế kỷ (Cengroup) cho rằng, căn hộ nhỏ là một giải pháp nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản đang khó khăn. Qua đó cũng nhằm giúp người dân ít tiền vẫn có thể mua được nhà. Tuy nhiên, muốn làm cũng cần phải tính tới hệ lụy quá tải về hạ tầng như chỗ đậu xe, dân tập trung quá đông từ đó ảnh hưởng tới tiện ích công cộng… Câu chuyện để người dân có nhà là một câu chuyện khác, còn câu chuyện của thị trường BĐS là một câu chuyện hoàn toàn khác. Đã là thị trường thì nên để cho nó vận động theo đúng quy luật thị trường, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu.
 
Phan Hoạt – Công an nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét