28 thg 4, 2014

Dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt kỷ lục 35 tỷ USD

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra tại buổi đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp ngày 28/4. Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất, đạt trên 35 tỷ USD. "Như vậy, con số này không những cho thấy sự ổn định của VND mà còn củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Bình cho biết.
dnnn-0-8334-1398678673.jpg
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết dự trữ ngoại hối đạt 35 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Đây là lần đầu tiên một đại diện của Ngân hàng Nhà nước công khai chính thức về số dư dự trữ ngoại hối hiện nay. Trước đó, chính Thống đốc cũng thông tin, chỉ riêng trong quý I, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 7,7 tỷ USD. Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm 2014, dự trữ ngoại hối đã tăng 4 tỷ USD nhờ việc bơm hút tiền nhịp nhàng của nhà điều hành. Như vậy trong năm 2014, đây là lần thứ ba cơ quan điều hành cập nhật với dư luận những thông tin liên quan đến tình hình dự trữ ngoại hối quốc gia - điều mà các năm trước rất hiếm thấy.
Cuối tháng 10 năm ngoái, trong một báo cáo cập nhật của mình, Ngân hàng ANZ dẫn con số ước tính về lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào khoảng 32 tỷ USD. Khi đó, dù Ngân hàng Nhà nước không công bố con số cụ thể nhưng ANZ đưa ra ước tính dựa trên báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa XIII. Khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, chịu được khoảng 12 tuần nhập khẩu.
Hồi đầu 2014, Thống đốc hé lộ tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định, nếu điều chỉnh tối đa không quá 2%. Tuy nhiên, chia sẻ với doanh nghiệp ngày 28/4, người đứng đầu ngành ngân hàng đã "gút" lại mức thay đổi này hơn nữa. Cụ thể, ông cho biết, sau 5 tháng tình hình ổn định, Ngân hàng Nhà nước khẳng định nếu điều chỉnh, tỷ giá cũng sẽ tăng hoặc giảm không quá 1%.
Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp lần này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lần lượt giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề lãi suất cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông khẳng định, hiện 60% vốn ngân hàng đang được bơm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (SME). "Như vậy, bất kỳ khó khăn gì trong hoạt động của SME đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các tổ chức tín dụng", ông nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn cho rằng lãi suất dù giảm nhưng vẫn còn cao so với khả năng của họ. Chia sẻ điều này, ông Nguyễn Văn Bình cho biết việc điều chỉnh tiếp lãi suất là những quyết định rất khó khăn bởi nó còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế vĩ mô. "Cứ mươi, mười lăm ngày, chúng tôi lại xem xét mặt bằng, nếu có bất cứ cơ hội nào có thể giảm được là giảm ngay. Tuy nhiên, việc giảm thì phải bền vững, tránh giật cục, nay xuống, mai lên", ông phân trần. 
Tại cuộc họp báo tuần trước, Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện còn 16% dư nợ toàn nền kinh tế đang phải chịu lãi suất từ 13-15%. Giải thích thêm với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, phần lớn số dư nợ này rơi vào 3 lĩnh vực là cho vay tiêu dùng, bất động sản. Riêng về cho vay tiêu dùng, theo Thống đốc, vì thông lệ quốc tế cũng như mức độ rủi ro của các khoản vay nên lãi suất những khoản này cao là hợp lý. "Chính chỗ này sẽ giúp nền kinh tế tránh được cho vay nặng lãi. Nếu cứ ép ngân hàng đưa lãi suất cho vay tiêu dùng thật thấp thì họ sẽ không thể cho vay ra được. Như vậy sẽ là môi trường để cho vay nặng lãi phát triển", ông lý giải.
Nhóm thứ hai còn phải chịu lãi suất cao là các doanh nghiệp bất động sản. Một nửa số này theo ông Bình, là những doanh nghiệp đang phục hồi, có dự án, họ sẵn sàng vay với lãi suất 14-15% bởi tỷ suất sinh lời của ngành này cao. Phần còn lại, rơi vào các đơn vị thực ra đã "chết". "Doanh nghiệp chết rồi nên không thể cơ cấu lại nợ được, cứ để nguyên đó thôi", ông Bình nói.
Mặc dù vậy, Thống đốc vẫn hứa sẽ cố gắng đưa mặt bằng lãi suất giảm 1-2% từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp nếu có điều kiện thuận lợi.

Chí Hiếu - Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét