Người Việt chinh phục đại dương: Kỳ 2: Hải thuyền Hoàng Sa
TT - Nhiều chiến thuyền, tàu buôn nước ngoài đã bị nạn
khi qua vùng biển Paracel (Hoàng Sa) trong khi các hải đội triều Nguyễn
vẫn thường xuyên ra vào vùng biển này. Thậm chí họ từng cứu hộ tàu nước
ngoài bị đắm. Điều đó không chỉ được sử sách nước Việt ghi nhận mà các
nhà hàng hải quốc tế, kể cả người Trung Quốc cũng ghi chép rất kỹ. Người
Việt đã chinh phục vùng biển nguy hiểm này bằng loại thuyền gì?
Bản vẽ kỹ thuật thuyền buồm và một số vật dụng dùng để đi Hoàng Sa - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa |
Sự thật thuyền Hoàng Sa
“Tổ tiên đã truyền đời kể cho chúng tôi nghe về những
con thuyền từng vượt biển Đông ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thời thơ
ấu của tôi ở Lý Sơn, loại thuyền ngược xuôi trên biển cũng không khác
xưa. Chúng nhỏ gọn nhưng chắc chắn và rất tiện dụng trên vùng biển có
nhiều bãi cát, rạn san hô như Hoàng Sa, Trường Sa...”. Ông đồ già Võ
Hiển Đạt ở đảo Lý Sơn tự hào hồi tưởng thuở bao lớp tổ tiên can trường
tiến ra biển. Mùa ra khơi năm 2011, ông Đạt bước sang tuổi 81, là trưởng
nhóm nghiên cứu, đóng lại chiếc thuyền của những đội hùng binh nước
Việt năm xưa sử dụng để chinh phục đại dương. Là bậc cao niên hiếm hoi
còn thông thạo chữ nho ở Lý Sơn, ông Đạt cũng từng tiếp cận nhiều tài
liệu, thư tịch, sắc phong cổ ở Lý Sơn để hiểu rõ về những con thuyền của
tổ tiên mình.
Những buổi chiều ngồi ngắm biển ở cảng Lý Sơn, ông Võ
Hiển Đạt đã kể cho tôi nghe nửa đầu thế kỷ 20 dân đảo vẫn còn nghèo lắm.
Người đi biển đều sử dụng những chiếc thuyền buồm như tổ tiên mình đã
bao đời cưỡi trên đầu sóng ngọn gió. Người đi buôn dùng ghe bầu. Ngư dân
có ghe câu nhỏ hơn. Hai loại thuyền đôi nét khác nhau về kích cỡ, nhưng
đều vượt biển giống nhau nhờ sức gió thổi buồm và khả năng xoay xở rất
tốt ở những vùng biển nông dễ mắc cạn.
Khi phục dựng lại thuyền đi Hoàng Sa thuở xưa, ông Đạt
đã cẩn thận gặp thêm nhiều bậc cao niên ở Lý Sơn để cùng bàn bạc chính
xác loại thuyền. Thật ra ông và các bạn vẫn nhớ rõ đến nửa đầu thế kỷ
20, ngư dân ở Lý Sơn và dọc bờ biển Quảng Ngãi vẫn truyền đời đi biển
bằng loại thuyền này. Họ gọi dân dã là ghe câu. Đây cũng là tên thuyền
thông dụng mà tổ tiên họ ngày xưa đã sử dụng để vượt biển ra Hoàng Sa.
Ngoài ra, một cơ sở khác để họ có thể phục dựng chính xác loại thuyền
này chính là hình mẫu chiếc thuyền cúng trong lễ khao lề thế lính Hoàng
Sa. Ngay thời hải đội Hoàng Sa còn hoạt động, lễ cúng này đã được thực
hiện để yên lòng người ra đi vì Tổ quốc và hình mẫu chiếc thuyền buồm
trong lễ cúng vẫn được truyền đời thực hiện đến ngày nay.
Đặc biệt, các sử gia uy tín xưa cũng khẳng định rõ loại
thuyền mà người Việt từng can trường cưỡi trên đầu sóng ngọn gió, xác
lập chủ quyền cho Tổ quốc. Với ghi chép tỉ mỉ của Lê Quý Đôn thì không
chỉ đội Hoàng Sa mà ngay cả đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản cũng
chinh phục đại dương bằng loại thuyền nhỏ này. Khu vực mà hải đội Bắc
Hải hoạt động chính là quần đảo Trường Sa và trải dài vào các đảo phía
Nam.
Thuyền buồm của đội Hoàng Sa vào thế kỷ 17-18 - Ảnh: Kỷ yếu Hoàng Sa |
Trong một chỉ thị cho đội Hoàng Sa tiếp tục hoạt động,
triều đình Tây Sơn năm 1786 ghi rõ: “Sai Hội Đức Hầu, cai đội Hoàng Sa
luôn xem xét, đốc suất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn
thuyền câu vượt biển, thẳng đến Hoàng Sa...”. Còn Phủ biên tạp lục của
Lê Quý Đôn cũng ghi chép chính xác loại thuyền này khi nhắc đến đội
Hoàng Sa: “Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An
Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng hai nhận giấy sai đi, mang
lương thực đủ ăn sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển ba
ngày ba đêm thì đến đảo ấy... Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải hoặc người
thôn Tứ Chính ở Bình Thuận hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi
thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi
thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo Hà Tiên...”.
Và loại thuyền câu đó chính là thuyền mà ngư dân Lý Sơn đã truyền đời
cưỡi trên đầu sóng ngọn gió.
Đặc biệt, nhiều nhà du hành, thương nhân nước ngoài khi
đến Đàng Trong cũng nhắc đến loại thuyền độc đáo của ngư dân Việt mặc
dù họ có một vài cách định danh khác nhau. Nhà sư Thích Đại Sán, người
Trung Hoa khi đi thuyền đến xứ Đàng Trong năm 1696 đã có nhiều ghi chép
trong tập Hải ngoại ký sự về loại thuyền “điếu xá” rất nhanh của người
vương quốc này. Trong khi chiếc thuyền lớn xuất phát từ Quảng Đông của
nhà sư Thích Đại Sán bị mắc cạn thì ông ta lại rất ngưỡng mộ loại thuyền
“điếu xá” có cánh buồm như hình chiếc rìu lướt gió rất nhanh đã nhìn
thấy ở vùng biển Hoàng Sa. Đây chính là loại thuyền mà chúa Nguyễn Phúc
Chu đã cử ra đón nhà sư Trung Hoa này ở Cù Lao Chàm (thuở đó còn gọi
Tiên Bích Sa). Và chính sử nước Việt lẫn tư liệu hàng hải quốc tế cũng
ghi nhận nhà Nguyễn còn nhiều lần cử thuyền đi cứu hộ tàu nước ngoài bị
đắm, trong đó có cả tàu của Hà Lan, Anh, Pháp...
Bí quyết tốc độ
Nhà sư Thích Đại Sán đã ngưỡng mộ loại thuyền nhỏ của
người Việt này được cơn gió thuận thì lướt nhanh gấp 10 lần những chiếc
thuyền gỗ lớn nặng nề. Đó cũng chính là bí quyết độc đáo của chiếc
thuyền câu thuở nào. Thời đại máy móc ngày nay đã “chuyển giao” những
chiếc ghe câu một thuở kiêu hãnh ngang dọc biển Đông vào lịch sử, nhưng ở
miền Trung mà đặc biệt là Quảng Ngãi vẫn còn nhiều người từng đóng hoặc
am hiểu loại thuyền vượt biển độc đáo của người Việt này.
Ông Võ Hiển Đạt kể năm 1945, Pháp giải thể các xưởng
đóng thuyền ở đảo Lý Sơn. Khi đó ông đã 15 tuổi, hay mày mò vào các
xưởng đóng tàu trên đảo để tìm hiểu, học nghề. Ngoài ra, dòng họ ông
cũng có nhiều người đi biển, làm nghề cá bằng ghe câu mà mãi đến những
năm 1970 mới nâng cấp dần lên được máy móc. Chiếc ghe câu một thời không
chỉ là phương tiện mưu sinh mà còn là bạn của nhiều gia đình ở Lý Sơn.
Vừa rồi, ông Đạt đóng chiếc ghe câu đi Hoàng Sa là mô
hình thu nhỏ cho Bảo tàng Quảng Ngãi. Còn kích cỡ thật của nó dài
12-18m, rộng 2,5-3m và sâu khoảng 1,8 đến hơn 2m. Điểm nhận diện đặc
biệt của chiếc ghe câu này là thường đóng bằng cả gỗ và tre. Trong đó,
gỗ dùng làm khung sườn và phần trên ghe, còn tre được đan thành mê bao
bọc phần dưới ghe để chống nước xâm nhập bên trong. Và tre chính là bí
quyết làm chiếc thuyền câu của người Việt trở nên nhẹ nhàng để đạt được
tốc độ cao.
Theo ông Đạt và các bậc cao niên ở Lý Sơn, nhờ thuyền
nhẹ mà các hải đội Hoàng Sa dễ dàng đổ bộ lên các rạn san hô, đảo cát
trải dài thoai thoải ở Hoàng Sa mà tàu lớn không vào được. Đặc biệt, khi
cần thủy chiến, những ghe câu này cũng nhanh chóng phát huy tốc độ để
áp sát tấn công đối phương.
QUỐC VIỆT
______________________
Là niềm tự hào của người Việt, thuyền hải đội Hoàng Sa
đã được đóng thế nào? Và tiền nhân đã vận hành thuyền này ra sao để
chinh phục vùng biển đầy sóng gió Hoàng Sa?
Kỳ tới: Câu chuyện của người thợ cả
(theo TTO)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét